Đó là nhận định của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo "Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP" diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu, diễn giả đến từ các cơ quan trong và ngoài nước. Tại đây, "câu chuyện cũ" nguồn nhân lực được bàn luận dưới góc nhìn đa chiều của chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Nguồn nhân lực Việt Nam – câu chuyện cũ và… buồn
TS Vũ Tiến Lộc khai mạc hội thảo bằng một nhận định lạc quan: "Với tốc độ tăng trưởng như thế này (6.81%), Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới, trong những năm qua và cả những năm tới."
Tuy nhiên, vị lãnh đạo VCCI nhanh chóng vào đề: "Nhưng, tăng trưởng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề chính là chất lượng của tăng trưởng, là sự phát triển bền vững." "Mặc dù nhịp độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng không cao. Và cho đến bây giờ thì tiếng chuông cảnh báo về chất lượng tăng trưởng đó luôn luôn dồn dập."
Có lẽ sẽ không thể kết luận rằng nước ta đang phát triển bền vững nếu nhìn vào nguồn nhân lực hiện tại.
Theo các chuyên gia có mặt tại hội thảo đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhân lực Việt Nam hiện đáng lo ngại cả về năng suất, chất lượng và cơ cấu lao động.
Bà Lê Kim Dung, bộ LĐ-TB&XH nhận định đang có sự thiếu hụt về nhân lực có trình độ quản lý, khoa học công nghệ, kỹ thuật cao… Về cơ cấu lao động, bà Dung cho hay: "Tới năm 2017 thì lao động trong nông nghiệp, lao động phi chính thức vẫn chiếm khoảng 60%."
Những sự yếu và thiếu của nguồn nhân lực nước ta được nhìn nhận rõ hơn dưới góc nhìn doanh nghiệp. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc dẫn ra kết quả báo cáo PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) vừa được công bố vào tháng 3: "55% doanh nghiệp cho rằng khó tìm thấy nguồn lao động có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu."
Còn theo kết quả của Viện Khoa học lao động xã hội thì: "2/3 số doanh nghiệp Việt Nam cho biết phần lớn người lao động đang thiếu những kỹ năng cần thiết về chuyên môn và về các kỹ năng nòng cốt, cốt lõi khác."
Theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search (nhà cung cấp về các dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam) cho biết: "Có đến 41% doanh nghiệp Việt cảm thấy khó khăn trong việc tìm ứng viên chất lượng cho vị trí quản lý." Cũng theo bà Mai, 31% doanh nghiệp thấy khó khăn trong tìm nhân lực giỏi tiếng Anh. Và hiện đang có cuộc chiến tranh giành giật nhân tài giữa các doanh nghiệp, nhằm tìm ứng viên đủ chất lượng cho những vị trí quản lý.
Riêng về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), TS Vũ Tiến Lộc đã dùng từ "nhọc nhằn" để miêu tả hành trình tìm kiếm nhân lực của họ. Và càng buồn hơn, khi "Việt Nam được lựa chọn là hấp dẫn đầu tư không phải do chất lượng của lao động." "Các nhà doanh nghiệp Nhật Bản xếp ba yếu tố quan trọng hàng đầu để lựa chọn VN làm địa điểm đầu tư: sự ổn định về chính trị xã hội, quy mô của thị trường, lao động trẻ với chi phí còn tương đối thấp trong tương quan với các nước trong khu vực," TS Vũ Tiến Lộc cho biết.
Giải pháp vẫn còn "tản mạn"?
Không hẹn mà gặp, các chuyên gia tại hội thảo đều nhắc đến cùng một từ khi đưa ra kiến nghị: Giáo dục
TS Trần Mạnh Đức (Vụ Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng ) nhận định: "Về kỹ năng của công nhân được đào tạo, 65% doanh nghiệp cho rằng những kỹ năng đào tạo trong nhà trường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp."
"Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, thì có hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học công lập, và hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học tư thục thất nghiệp. Và một cái hậu quả tiếp theo nữa là các sinh viên ra trường vẫn còn mơ hồ về định hướng nghề nghiệp."
"Những hạn chế yếu kém của nguồn nhân lực ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của đất nước." TS Trần Mạnh Đức cho biết.
Toàn cảnh hội thảo "Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP"
TS Vũ Tiến Lộc nói ngay từ lúc phát biểu khai mạc: "Có lẽ cải cách nên bắt đầu từ hệ thống đào tạo. Đào tạo theo cung cầu. Rút ngắn thời gian đào tạo. Tăng cường tính thực dụng của hệ thống giáo dục. Tăng cường đào tạo theo hệ thống STEM."
Bà Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ TB&XH cũng có đề xuất tương tự: "Tăng cường đầu tư trong đào tạo. Áp dụng công nghệ trong đào tạo."
Các chuyên gia có tiếng nói chung về tầm quan trọng của doanh nghiệp trong đào tạo. "Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay thì không phải chỉ là người đặt hàng, không phải chỉ là khách hàng của ngành giáo dục, mà còn là người đầu tư, là chủ nhân của hệ thống giáo dục," TS Vũ Tiến Lộc nhận định. TS đặc biệt nhấn mạnh về việc xóa bỏ ranh giới giữa nhà trường và doanh nghiệp.
"Gắn kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp" cũng là đề xuất của Bà Lê Kim Dung đến từ Bộ LĐ-TB&XH. Theo bà Dung, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để hướng tới giải pháp trong thời gian tới.
Và rõ ràng đã và đang có những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Bộ LĐ-TB&XH đang thí điểm chương trình "6 đồng hành, 6 hợp tác" giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề. Còn theo TS Trần Mạnh Đức, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trình Quốc hội vào tháng 5 tới.
Tuy nhiên, phải chăng những nỗ lực đó đang quá tản mạn?
TS Trần Mạnh Đức cho biết: "Theo quyết định 319 của Thủ tướng Chính phủ thì nhiệm vụ dự báo nhu cầu lao động được giao cho Bộ LĐ-TB&XH, dự báo nhu cầu đào tạo thì được giao cho Bộ GD&ĐT, nhưng mà trong phiên chất vấn trước Quốc hội thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận là cái dự báo nhu cầu đào tạo đại học của Việt Nam còn chưa được làm tốt và cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới."
GS-TSKH Nguyễn Mại đồng tình kiến nghị: "Đề nghị chính phủ nên giao cho một cơ quan tập trung tất cả những nguồn lực." Ông Ngô Xuân Liễn đến từ Bộ LĐ-TB&XH thì thừa nhận: "Bài toán nguồn nhân lực vẫn đang được giải quyết một cách tản mạn, chưa đồng bộ. Vấn đề ở chỗ vận động các cơ quan ấy như thế nào để nó đi theo một hướng, tránh tình trạng mỗi cơ quan một hướng. Mỗi tổ chức giống như một củ khoai, khi đổ khoai ra thì lăn lóc mỗi người một nơi. Khi nó không lăn một hướng mà không đi theo đúng hướng thì đó là vai trò của Chính phủ."
Trong khi đó, một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực – những người trẻ đang như thế nào?
Thật trùng hợp, một ngày sau hội thảo trên, chúng tôi có dịp tham dự một buổi talkshow nhỏ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khác với buổi hội thảo hoành tráng với hàng trăm người cùng diễn giả đến từ các cơ quan của bộ, trong không gian với sức chứa chỉ vài chục người của Talkshow "Chuyện nghề, chuyện ta," người tham dự đa phần là những học sinh chuẩn bị thi đại học và bố mẹ của các em.
Nội dung trọng tâm của Talkshow bàn về chuyện định hướng nghề nghiệp. Các diễn giả chia sẻ câu chuyện về "có nên học đại học" và "có nên bỏ học đại học để chạy theo đam mê hay không." Trong phần Q&A, các diễn giả nhận được yêu cầu xin lời khuyên từ các bạn trẻ - những câu chuyện rất cá nhân về băn khoăn chọn nghề, chọn trường, theo đuổi đam mê; những dấu chấm hỏi lớn mà là quá sức với những người mới 17, 18 tuổi để tự tìm câu trả lời. Có bạn trẻ khách mời còn suýt rơi nước mắt khi kể về những ngày đấu tranh với gia đình để đi theo công việc mong muốn.
Một buổi talkshow nhỏ nhưng cho chúng tôi thấy được sự loay hoay của cả một thế hệ. Rõ ràng là, vấn đề giáo dục và nguồn nhân lực không chỉ câu chuyện về kinh tế, về sự tăng trưởng bền vững, mà là câu chuyện xã hội nhân sinh, ở đó cuộc đời riêng của mỗi con người bị ảnh hưởng. Và câu chuyện đó đang rất cấp bách từng ngày, vì chỉ vài tháng nữa thôi, cuộc thi tuyển sinh 2018 lại bắt đầu.
Thảo Thảo/Trí Thức Trẻ
Bạn quan tâm về quản trị nhân sự xem tại: http://bit.ly/QuanTriMucTieu