Nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược sẽ nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất làm việc của người lao động.
Văn hóa doanh nghiệp quan trọng như chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu chiến lược kinh doanh là các hình thức, cách thức được hoạt động để đi đến mục tiêu cuối cùng của công ty nhanh nhất và hiệu quả nhất – nhằm tăng doanh thu trong kinh doanh thì văn hóa doanh nghiệp được cho là phần hồn của tổ chức để phân biệt sự khác biệt giữa doanh nghiệp này và doanh nghiệp khác.
Cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp bởi nó giúp tổ chức và cá nhân làm việc hiệu quả hơn, năng suất hơn và tạo lợi thế cạnh tranh. Khi doanh nghiệp có một văn hóa mạnh và phù hợp với mục tiêu, chiến lược dài hạn doanh nghiệp đã đề ra sẽ tạo nên sự thống nhất chung giữa các nhân viên và doanh nghiệp.
Từ đó mọi người sẽ làm việc hết mình vì mục tiêu chung của doanh nghiệp một cách tự nguyện - giúp cho lãnh đạo dễ dàng hơn trong công việc quản lý còn nhân viên thoải mái và chủ động hơn trong việc định hướng cách nghĩ và cách làm của mình, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp còn thu hút nhân tài và giữ họ gắn bó lâu dài với công ty. Đặc biệt phát triển văn hóa học tập và đào tạo trong doanh nghiệp giúp công ty bạn ngày càng mở rộng được quy mô và chất lượng công việc.
Quan trọng hơn cả, văn hóa doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng và liên kết chặt chẽ giữa các phòng ban từ đó ảnh hưởng đến năng suất làm việc của nhân viên.
Văn hóa doanh nghiệp không phải được hình thành trong ngày một ngày hai mà nó là quá trình xây dựng, tồn tại và phát triển của các thế hệ nhân viên truyền tải những giá trị của tổ chức tạo nên khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tạo nên sự ổn định cho tổ chức, các thành viên cùng nhau cam kết vì mục tiêu cuối cùng của tổ chức.
Văn hóa giống như chất keo dính kết các thành viên trong tổ chức, hướng dẫn và uốn nắn những hành vi và ứng xử của các thành viên trong tổ chức. Hay nói cách khác văn hóa doanh nghiệp giống như luật chơi mà nhà lãnh đạo đưa ra và từ mục tiêu nhỏ của mỗi cá nhân trong tổ chức tạo nên mục tiêu lớn của cả doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc đời sống tinh thần cho các thành viên. Một tinh thần làm việc thoải mái, hạnh phúc khiến nhân viên làm việc hiệu quả và năng suất hơn. Các nghiên cứu thống kê đã chỉ ra rằng, những công ty có nhân viên “hạnh phúc” thường có thể đạt được năng suất hơn công ty đối thủ 20%. Về doanh thu, một nhân viên bán hàng “hạnh phúc” có thể đem về doanh thu bán hàng cao hơn 37% so với nhân viên trung bình.
Văn hóa doanh nghiệp được đề cao sẽ giúp các bộ phận khác nhau của công ty liên kết chặt chẽ với nhau, phát huy được tối đa năng lực. Ngược lại sự gắn kết giữa các đội nhóm, giữa các thành viên sẽ giúp văn hóa doanh nghiệp được đưa lên một mức độ cao hơn. Môi trường làm việc nhóm sẽ xây dựng sự gắn bó và thúc đẩy các thành viên trong nhóm trao đổi, chia sẻ, ý tưởng dẫn đến năng suất làm việc hiệu quả hơn. Đặc biệt, nếu được khuyến khích và ghi nhận sự cống hiến họ sẽ làm việc trên năng suất trung bình tới 38%.
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là do người lãnh đạo nhưng để thực thi và tạo nên văn hóa ấy là những hành động được lặp đi lặp lại của nhân viên hàng ngày. Vì vậy, nó ảnh hưởng không nhỏ đến cá nhân của mỗi thành viên trong tổ chức.
Văn hóa doanh nghiệp tạo cho mỗi thành viên hiểu được giá trị của bản thân đối với công việc. Họ hiểu được mục đích họ đang làm việc là làm vì ai và vì điều gì. Mục tiêu của cá nhân nhằm hướng tới mục tiêu chung của tổ chức. Khi làm việc có sự thống nhất và nhất quán, nhân viên sẽ có thêm nhiều động lực và hướng đi đúng đắn.
Tóm lại văn hóa doanh nghiệp chính là bản sắc của doanh nghiệp đó. Tuỳ vào mục tiêu và thế mạnh của mình mà doanh nghiệp có các văn hóa phù hợp giúp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp ngày càng quan trọng, chú trọng xây dựng văn hóa là điều sáng suốt nhất của các nhà lãnh đạo.
Nguồn: Trường Doanh nhân HBR