Trường doanh nhân HBR

Learning Today - Leading Tomorrow
Avatar
Bài đăng, 06/11/2019
By Nguyễn Ngọc Mỹ

Những yếu tố nào tạo nên môi trường làm việc lý tưởng mà các công ty hàng đầu thế giới đang áp dụng? Công ty bạn cũng có thể làm được điều đó.

Base Resources - Theo một nghiên cứu của Robert Half International - Công ty tư vấn nhân sự và giải pháp tuyển dụng toàn cầu, môi trường làm việc là yếu tố quan trọng nhất làm nên sự hài lòng của nhân viên. Mặc dù đây là một yếu tố thiết yếu nhưng chưa có nhiều công ty biết cách để xây dựng một môi trường làm việc lý tưởng cho nhân viên của mình.

 

Môi trường làm việc tiêu cực khiến cho không khí luôn căng thẳng, hiệu suất công việc thấp và tỷ lệ nhân viên bỏ việc cao - điều không ai muốn công ty mình gặp phải. Bài viết này đưa ra các tiêu chí và những hình mẫu nơi làm việc lý tưởng trên thế giới giúp bạn tạo nên môi trường làm việc mọi nhân viên đều mơ ước!

 

Các yếu tố làm nên một môi trường làm việc lý tưởng


1. Để nhân viên là chính mình
 

“Gia đình và bạn bè sẽ thấy tôi ở nơi làm việc cũng giống tôi khi ở nhà” - Một giám đốc cấp cao của Tập đoàn bán lẻ Waitrose tại Anh chia sẻ về lý do làm nên sự trung thành của nhân viên với công ty này. Waitrose luôn cố gắng tìm hiểu và hỗ trợ sở thích cá nhân của nhân viên, từ học đàn piano, nấu ăn cho tới bơi lội,... Bằng cách này, tập đoàn đã tạo ra một bầu không khí nơi mọi người cảm thấy thoải mái khi là chính mình.

 

Khi tìm hiểu về sự khác biệt của nhân viên, bên cạnh việc chỉ giới hạn trong các mục như giới tính, tuổi tác, quê quán, tôn giáo, hãy chú ý tới những điểm khác biệt tinh tế hơn như sở thích, quan điểm, cách suy nghĩ và giá trị cốt lõi của cá nhân. Nắm bắt được và tôn trọng sự khác biệt này chính là chìa khoá giúp bạn tạo nên môi trường làm việc thân thiện, thoải mái, giúp nhân viên phát huy hết được khả năng của bản thân.

 

Một tổ chức luôn phải có những quy định về đồng phục, giờ làm việc,... riêng trong văn hoá doanh nghiệp. Tuy nhiên một chút linh hoạt đối với những yêu cầu này để phù hợp với nhân viên là cách hữu hiệu để bạn giảm thiểu áp lực của họ mỗi khi đến công ty. Ví dụ, một công ty tài chính có thể tôn trọng việc nhân viên IT của mình thích mặc áo phông và quần lửng khi đi làm.

 

Chỉ khi làm việc ở môi trường được thoải mái là chính mình, mỗi cá nhân mới có thể tự tin cống hiến kiến thức, tài năng và không ngại bị đánh giá khi đưa ra các ý tưởng mới. Nhưng không có nhiều công ty làm được điều này, bởi vượt qua những định kiến chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Những công ty thành công trong việc nuôi dưỡng từng cá nhân đều phải từ bỏ một số trật tự tổ chức nhất định.

Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào, các công ty cũng nên là nơi khiến nhân viên có cảm giác thân thuộc như ở nhà, là nơi họ được đưa ra ý kiến và nói lên suy nghĩ của mình mà không sợ chỉ trích hay phán xét. Đây là yếu tố cần có ở một môi trường làm việc tích cực, công bằng và thân thiện.

 

2. Tạo luồng thông tin xuyên suốt
 

Một môi trường làm việc lý tưởng sẽ không lừa dối, bóp méo hay che giấu thông tin. Nhất là trong mô hình phân chia công việc theo chiều dọc, luồng thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả làm việc của nhân viên ở tuyến dưới.

Đôi khi trong những tình huống tiêu cực, một số nhà lãnh đạo cảm tìm cách làm cho sự việc trở nên vui vẻ hơn bằng cách không thông báo đầy đủ hoặc bóp méo sự thật. Tuy nhiên đây không phải một cách hay để giải quyết bởi khi sự thật được phanh phui, các nhân viên sẽ cảm thấy mình không được coi trọng và không phải là một phần của tổ chức.

 

Novo Nordisk - công ty dược phẩm đa quốc gia của Đan Mạch đã từng vi phạm quy định của FDA đến mức gần như bị cấm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Thật đáng kinh ngạc vì không ai nói với Mads Øvlisen - CEO lúc bấy giờ về tình huống này khiến cho khủng hoảng không được giải quyết nhanh chóng. Đó là vì Novo Nordisk hoạt động theo một nền văn hóa doanh nghiệp trong đó tin xấu không bao giờ nên đến tai Ban điều hành.

 

3. Thúc đẩy tiềm năng của mỗi người
 

Mọi nhân viên đều mơ ước được làm trong môi trường nơi mỗi người có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Các công ty nên khám phá điểm mạnh của từng nhân viên và tạo điều kiện thúc đẩy họ tiến bộ. Đây là tình huống đôi bên cùng có lợi: nhân viên xuất sắc dẫn đến chất lượng công việc tốt và công ty nhờ vậy cũng phát triển hơn.

 

Thương hiệu đồ ăn nhanh McDonald’s là một ví dụ điển hình cho việc tập trung phát triển năng lực của nhân viên. Ở Anh, công ty đầu tư 36 triệu bảng Anh mỗi năm để nhân viên của mình có cơ hội đạt các bằng cấp học thuật được công nhận trên toàn quốc. Kể từ khi chương trình này được triển khai vào năm 2006, McDonald’s đã trao hơn 35.000 bằng cấp và chứng chỉ cho nhân viên.

 

Tuy nhiên đầu tư phát triển nhân viên là một chiến lược rủi ro cao. Nói như vậy là bởi các công ty sẽ mất khoản đầu tư của họ khi nhân viên tìm kiếm những cơ hội hứa hẹn hơn ở công ty khác sau đó. Vì lẽ đó, những nhà lãnh đạo hàng đầu thường kết hợp nhiều yếu tố để tạo nên môi trường làm việc lý tưởng nhằm giữ chân tài năng của mình.

4. Sứ mệnh của doanh nghiệp
 

Con người luôn đi tìm ý nghĩa trong những việc mình làm nên nhân viên chắc chắn sẽ quan tâm tới sứ mệnh của doanh nghiệp. Họ cần biết công ty mình đến từ đâu, hoạt động vì mục đích gì, đang theo đuổi những giá trị gì. Bất kể đó là một sản phẩm tốt cho sức khoẻ hay một dịch vụ làm tăng trải nghiệm cuộc sống,… đều khiến nhân viên cảm thấy tự hào về tổ chức của mình.

 

Không những vậy, nhận thấy vai trò quan trọng của công ty trong xã hội còn khiến họ có động lực làm việc và cống hiến hơn. Do đó, cần truyền thông nội bộ tập trung vào giá trị cốt lõi và sứ mệnh của công ty để mọi nhân viên hiểu và ghi nhớ. Nhiều công ty lớn trên thế giới đã làm rất tốt việc này.

 

Mỗi nhân viên khi lựa chọn nơi làm việc thường cân nhắc những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp có phù hợp với giá trị họ tin tưởng hay không. Sự phù hợp này là sợi dây vô hình kết nối cá nhân và công ty, tạo nên sự trung thành của họ với tổ chức. Bằng cách lựa chọn những giá trị đúng đắn, có ý nghĩa với xã hội và hoạt động dựa theo đó, các công ty đã thúc đẩy sự gắn kết với nhân viên.

 

Trước đây, khi các công ty bảo hiểm thường kiêm thêm dịch vụ tài chính để tăng lợi nhuận thì New York Life vẫn coi bảo hiểm nhân thọ là trọng tâm chính. Đó là bởi Ted Mathas - CEO của New York Life cho rằng nhiều công ty hiện nay vì lợi nhuận mà quên đi sứ mệnh của mình. "Chúng tôi là một công ty bảo hiểm nhân thọ và chúng tôi rất giỏi điều đó” - tuyên bố này của vị CEO đã góp phần giúp New York Life trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ ba tại Hoa Kỳ.

 

5. Ý nghĩa của công việc hàng ngày
 

Một nhà lãnh đạo tài giỏi là người có khả năng cho nhân viên thấy được ý nghĩa trong công việc hàng ngày họ làm. Tất cả vị trí, nhiệm vụ tại công ty là cần thiết và đều liên quan chặt chẽ tới nhau. Thật không hay nếu ai đó phải làm một nhiệm vụ thừa thãi và không đóng góp được gì vào kết quả công việc chung.

 

Dành một vài phút trước khi giao việc cho nhân viên để cân nhắc những điều sau là cách tốt để tránh tình huống xấu trên xảy ra:

  • Những nhiệm vụ này có ý nghĩa gì với nhân viên không?
  • Tại sao những nhiệm vụ này lại quan trọng?
  • Những nhiệm vụ này có thực sự hấp dẫn không?

Nếu thấy nhiệm vụ mình được giao là vô nghĩa thì những nhân viên có nhiều khả năng sẽ tìm một công ty khác, nơi họ được coi trọng và được làm công việc có giá trị hơn. Đây là yếu tố các công ty cần chú ý để có thể giữ chân được những nhân tài của mình.

Ở Rabobank Nederland, chi nhánh ngân hàng của Tập đoàn Rabobank - nhà cung cấp dịch vụ tài chính lớn nhất ở Hà Lan, các nhà quản lý cho nhân viên thấy được ý nghĩa của những nhiệm vụ hàng ngày. Không có những bản mô tả công việc cứng nhắc, nhân viên của Rabobank được tự do lựa chọn cách thức, địa điểm, thời gian và ai sẽ thực hiện công việc. Cách tiếp cận này đòi hỏi nhân viên phải có tinh thần trách nhiệm và hợp tác hơn.

 

6. Quy tắc hợp lý và rõ ràng
 

Không nhân viên nào muốn công ty của mình đưa ra quá nhiều quy tắc, đặc biệt là những quy tắc rườm rà làm chậm tiến trình làm việc. Các quy tắc nên đơn giản, rõ ràng và phải áp dụng cho tất cả mọi người. Quan trọng hơn, những quy tắc phải nhằm mục đích hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp và mọi nhân viên phải hiểu được ý nghĩa đó.

 

Apple có một quy tắc bảo mật nghiêm ngặt mà họ hy vọng tất cả nhân viên sẽ tuân thủ. Bất cứ ai phá vỡ nó đều bị sa thải. Thông qua văn hóa doanh nghiệp, nhân viên được yêu cầu phải giữ kín thông tin trong phạm vi công ty, điều này cho phép Apple Inc. phát huy tối đa lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh. Đặc điểm văn hóa này được thể hiện thông qua các chính sách, quy tắc và hợp đồng lao động của công ty.

 

Các doanh nghiệp có môi trường làm việc lý tưởng hàng đầu thế giới
 

1. Salesforce
 

Salesforce là công ty công nghệ, cung cấp bộ quản lý quan hệ khách hàng (CRM) cho các tổ chức doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung vào dịch vụ bán hàng và hỗ trợ. Salesforce đứng đầu trong danh sách 100 công ty tốt nhất để làm việc của tạp chí Forbes danh tiếng. Điều gì khiến công ty này được đánh giá cao như vậy?

  • Phát triển nhân viên là ưu tiên hàng đầu
  • Khuyến khích nhân viên tham gia tình nguyện
     

"Tôi muốn công ty là nơi mọi người hào hứng đến làm việc mỗi ngày, nơi họ cảm thấy tốt khi họ đến, nơi không lấy từ họ mà còn mang lại giá trị cho họ, cho người khác". Đó là những lời chia sẻ về môi trường làm việc lý tưởng cho nhân viên của Marc Benioff, CEO Salesforce.

 

Nhân viên được trả 56 giờ một năm cho hoạt động tình nguyện. Việc khuyến khích nhân viên chia sẻ với cộng đồng là một phần trong "cam kết tạo ra môi trường làm việc bổ ích, độc đáo" của Salesforce. Benioff cho biết ông cảm thấy có trách nhiệm đầu tư mạnh vào cộng đồng của mình - và khuyến khích lực lượng lao động 30.000 nhân viên của mình làm điều tương tự. Làm điều tốt cho người khác khiến bản thân chúng ta cảm thấy tốt hơn.

Tất cả nhân viên ở Salesforce luôn được khích lệ mở rộng kỹ năng, học hỏi và tiến bộ. Để làm được điều đó, Salesforce đã ra mắt #dreamjob, một cổng thông tin nội bộ chứa các tài nguyên: các khóa học, chương trình đào tạo và hướng dẫn… Ở công ty, mọi người sẵn sàng chia sẻ kiến thức và thúc đẩy nhau thăng tiến trong sự nghiệp.

2. Facebook
 

Facebook giành được vị trí số 1 trong danh sách các môi trường làm việc lý tưởng của Glassdoor vào năm 2011, 2013 và 2018. Ngoài những lợi ích tuyệt vời cho nhân viên như các bữa ăn miễn phí, dịch vụ y tế và nha khoa tại chỗ, dịch vụ giặt ủi và bốn tháng nghỉ phép sinh em bé được trả lương, Facebook còn có những đặc điểm vô cùng đáng nể sau:

 

  • Giá trị của công ty rất quan trọng đối với mọi người
     

Các Facebook-ers rất tôn trọng sứ mệnh của công ty - "Cung cấp cho mọi người sức mạnh để xây dựng cộng đồng và mang thế giới lại gần nhau hơn". Với các nhân viên, công việc có ý nghĩa và đầy thách thức tác động đến hàng tỷ người là điều thu hút và giữ họ ở công ty.

 

  • Nhân viên nói rằng họ cảm thấy có giá trị và được tin tưởng
     

Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành của Facebook chia sẻ rằng: "Điều tốt nhất khi làm việc tại Facebook là chúng tôi khuyến khích mọi người thể hiện đầy đủ con người mình". Nếu các công ty công nghệ khác đề cao chức danh và các cấp bậc quản lý thì ở Facebook, nhân viên được giao nhiệm vụ dựa trên thế mạnh chứ không ở chức danh. Họ còn được khuyến khích đặt câu hỏi và có thể chỉ trích những người quản lý của mình.

3. Google
 

Dù đã có rất nhiều thay đổi tại Google trong thập kỷ qua - về quy mô, dịch vụ sản phẩm và logo nhưng công ty vẫn giữ được những nét văn hoá mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính những nét văn hoá này giúp cho Google luôn nằm trong danh sách những môi trường làm việc đáng mơ ước trên thế giới.

 

  • Ý nghĩa trong công việc hàng ngày
     

73% nhân viên của Google thấy công việc hàng ngày của họ có giá trị. Họ nhận thấy mọi việc mình làm đều góp phần vào sứ mệnh của công ty: "Tổ chức thông tin của thế giới và làm cho nó có thể truy cập và hữu dụng trên toàn cầu."

 

  • Tôn trọng sự khác biệt của mỗi người
     

Google là một trong những công ty đầu tiên thực sự hiểu nhu cầu của nhân viên để có một lịch trình linh hoạt và làm việc theo các điều khoản của họ để giải phóng sự sáng tạo và mức năng suất cao hơn. Họ đã cho nhân viên của mình khám phá cách họ muốn làm việc và cho họ sự tự do trong môi trường để tiếp cận công việc theo cách phù hợp với họ.

 

  • Tập trung xây dựng niềm hạnh phúc của nhân viên
     

Google có các cá nhân với một nhiệm vụ duy nhất là giữ cho nhân viên hạnh phúc. Họ cung cấp rất nhiều đặc quyền cho nhân viên, bao gồm các bữa ăn, khám bệnh miễn phí, trợ cấp đi lại,… Google còn cho phép nhân viên mang theo thú nuôi đi làm vì họ tin rằng điều đó làm cho môi trường làm việc được thoải mái, vui vẻ hơn từ đó năng suất làm việc cũng cao hơn.

 

Môi trường làm việc lý tưởng của Google là sự thoải mái và linh hoạt trong phong cách làm việc của nhân viên

 

Phần kết
 

Bất kể lĩnh vực hoạt động, quy mô hay nguồn lực tài chính của công ty bạn như thế nào thì việc xây dựng môi trường làm việc lý tưởng luôn là điều cần thiết. Bài viết trên đây hy vọng sẽ là lời gợi ý và nguồn cảm hứng để mỗi tổ chức tạo nên môi trường làm việc mơ ước cho nhân viên của mình.

 

Sau khi đã biết được các yếu tố làm nên môi trường làm việc lý tưởng, đã đến lúc bạn lắp ghép tất cả chúng lại thành một bức tranh tổng thể - một môi trường văn hoá thống nhất và trở thành "thương hiệu" cho doanh nghiệp bạn.

 

Chọn loại hình văn hoá doanh nghiệp nào để bao gồm các yếu tố phù hợp nhất với quy mô, lĩnh vực kinh doanh và tính cách trước nay của doanh nghiệp bạn? Tìm hiểu ngay khóa học "Chiến lược mở rộng kinh doanh cho công ty vừa và nhỏ"

Nguồn: Resources Base

 

  • Tuyển dụng nhân sự 4.0
  • Tuyển dụng nhân sự 4.0
  • Tuyển dụng nhân sự 4.0
Bình luận bài viết
Bài viết cùng chuyên mục
8 loại hình văn hóa doanh nghiệp đặc trưng bạn cần biết

8 loại hình văn hóa doanh nghiệp đặc trưng bạn cần biết

8 bước quản trị nhân lực hiệu quả doanh nghiệp cần phải biết

8 bước quản trị nhân lực hiệu quả doanh nghiệp cần phải biết

Quản trị nhân lực 4.0: Hành trình chuyển dịch “đi tắt đón đầu” con đường thành công của doanh nghiệp

Quản trị nhân lực 4.0: Hành trình chuyển dịch “đi tắt đón đầu” con đường thành công của doanh nghiệp

Câu chuyện thỏ và củ cà rốt: Quản trị nhân sự không phải cứ thưởng hậu hĩnh cho nhân viên là tốt

Câu chuyện thỏ và củ cà rốt: Quản trị nhân sự không phải cứ thưởng hậu hĩnh cho nhân viên là tốt

Quản trị nhân sự kiểu Google, Apple hay Samsung đều có chung “công thức thành công”

Quản trị nhân sự kiểu Google, Apple hay Samsung đều có chung “công thức thành công”

�Lãnh đạo & Quản trị Nhân tài - Dave Ulrich Chiến lược kinh doanh
Đăng ký nhận tư vấn khóa học của HBR
Hỗ trợ trực tuyến